Làm nhà bằng container là một trong những xu hướng đang thịnh hành và được quan tâm không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam. Xây nhà bằng container mang lại nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, đa năng, sạch sẽ, bền vững và bảo vệ môi trường nhờ việc tái chế, tái sử dụng container bỏ đi. Tuy vậy, trước khi làm nhà bằng container các gia chủ cũng cần phải lưu tâm những điều dưới đây.

Lớp cách nhiệt của nhà container

Đối với một ngôi nhà được làm bằng container, lớp cách nhiệt là rất quan trọng. Bất kể những lợi ích về mặt kinh tế và công năng, nhiệt độ cao, nóng và bí là những nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người e ngại việc sử dụng container làm nhà. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam.

Sơ đồ bố trí lớp cách nhiệt cho nhà container

Bởi vậy, nếu bạn đang lên kế hoạch làm nhà container, đừng quên xử lý lớp cách nhiệt cẩn thận. Hệ mái cùng lớp tường vách tiếp xúc trực tiếp với bức xạ mặt trời cần được chú trọng xử lý lớp cách nhiệt hơn cả. Bạn cần tính toán hướng nhà, hướng khu đất để tìm ra hướng nắng và cách đặt container phù hợp.

Bên cạnh đó, cây xanh cũng có tác dụng giảm nhiệt, cản bức xạ mặt trời, tạo bóng mát. Nếu có thể, bạn hãy xây dựng nhà container bao quanh bởi vườn cây xum xuê. Nếu không có điều kiện về diện tích thì tận dụng pallet gỗ làm vườn đứng, che lớp vỏ ngoài container cũng là một ý tưởng tốt.

Ngoài ra, có 2 cách để thông gió và điều hoà không khí trong không gian container là thông gió cơ khí như sử dụng quạt, điều hoà nhiệt độ và thông gió tự nhiên bằng cách đục khoét vách container làm cửa sổ, hoặc tận dụng chính cửa đi của container làm cửa thông thoáng.

Nắm rõ kích thước, quy mô, chức năng từng loại container

Container có rất nhiều loại, được sử dụng với mục đích chuyên dụng khác nhau. Nếu phân loại theo chức năng, container bao gồm 7 loại chính:

  • Container khô (chở hàng khô, bách hoá)

  • Container hàng rời (có cửa trên mái)

  • Container chuyên dụng (chở động vật, gia súc, ô tô,… có thiết kế đặc thù)

  • Container lạnh (container có sẵn lớp cách nhiệt, chuyên chở các loại hàng hóa cần kiểm soát nhiệt độ như đồ đông lạnh)

  • Container hở mái

  • Container mặt bằng (không có vách)

  • Container bồn (chở hàng hoá chất lỏng)

Ngoài ra, container còn được phân loại theo kích thước. Dựa trên tiêu chuẩn ISO, container được chia làm 4 nhóm chính:

  • Container 20′: dài 6,058m x rộng 2,438m x cao 2,591m (kích thước thực bên trong: 5,867m x 2,352m x 2,385m)

  • Container 40′: dài 12,192m x rộng 2,438m x cao 2,591m (kích thước thực bên trong: 12,032m x 2,352m x 2,385m)

  • Container 40′ cao: dài 12,192m x rộng 2,438m x cao 2,896m (kích thước thực bên trong: 12,032m x 2,352m x 2,650m)

  • Container 45′ cao: dài 13,716m x rộng 2,438m x cao 2,896m (kích thước thực bên trong: 13,556m x 2,352m x 2,698m)

  • Dựa theo nhu cầu và kinh phí đầu tư mà bạn có thể chọn cho mình loại container phù hợp.

Tìm hiểu kỹ về luật xây dựng, các quy định về tiêu chuẩn quy hoạch và kiến trúc nhà ở

Nhà container thuộc dạng công trình đặc biệt, có rất nhiều tranh cãi về việc có nên coi nó là dạng công trình xây dựng đơn thuần hay không. Hiện nay cũng chưa có điều khoản cụ thể nào trong việc quản lý nhà container trong bộ luật xây dựng. Vì vậy, để tránh rắc rối trong pháp lý cũng như thoải mái xây dựng, sử dụng nhà container, các bạn nên có giấy tờ sử dụng đất ở nơi bạn đặt công trình container, giấy phép xây dựng, hoặc giấy phép xây dựng, đặt công trình tạm. Bạn cũng cần phải đăng ký với chính quyền địa phương rõ ràng, đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường đô thị.

Cuối cùng, nếu không thể đáp ứng những yêu cầu ở trên, bạn nên gắn thêm bánh xe vào container, biến nó thành dạng công trình, nhà ở di động để tránh bị làm phiền bởi cơ quan chức năng. Nếu bị yêu cầu di dời thì cũng dễ di chuyển, hoạt động.

Trung thành với thiết kế của bạn

Giống như phương pháp xây dựng truyền thống, việc thi công nhà bằng container cũng sẽ tốn rất nhiều thời gian, kinh phí và nhân lực nếu bạn sửa đi sửa lại quá nhiều. Một khi đã tác động, đục khoét vào container thì rất khó để sửa chữa. Để tránh tốn kém tiền vô ích, bạn nên lên kế hoạch xây dựng, thiết lập bản vẽ thiết kế thật kỹ để tránh phải chuyển đổi, sửa chữa phương án.

Nhà container được ứng dụng rộng rãi trên thế giới bởi nhiều ưu điểm của nó (Nguồn ảnh: Nhà container ở Canada)

Đừng cắt, khoét quá nhiều

Để biến một thùng container kín mít, bí khí thành một không gian sinh hoạt thoải mái tiện nghi, đương nhiên bạn phải thi công nội thất với tác động, đục khoét, cắt vách container. Tuy nhiên, cắt khoét nhiều quá cũng không tốt bởi việc tác động quá nhiều vào container sẽ làm phát sinh nhiều chi phí, chưa kể làm giảm độ bền của hệ kết cấu chịu lực vốn có. Bạn nên tính toán kỹ càng và tiết chế việc cắt khoét thùng container để mang lại hiệu quả tối ưu.

Kiểm tra chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật của container trước khi đặt mua

Trước khi đặt mua thùng container để làm nhà, bạn hãy kiểm tra kỹ càng tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện bảo quản của container xem nó có đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sinh hoạt cho bản thân và gia đình bạn hay không. Nếu không có kinh nghiệm về vấn đề này, bạn nên đi tìm chuyên gia để xin lời khuyên và có cái cái nhìn toàn diện nhất.

Các thùng container được ứng dụng để xây dựng nên The Factory Ba Vì đầy màu sắc (Nguồn ảnh: The Factory Ba Vì)

Tiết kiệm tiền nhờ One-trip container (container chỉ dùng cho 1 chuyến hàng)

Bạn có thể tiết kiệm chi phí mua container nhờ vào việc lựa chọn loại container one-trip, chỉ dùng để chở 1 chuyến hàng rồi bỏ đi. Đây là dạng container thùng hàng rẻ hơn các loại khác.

Hiểu rõ kết cấu chịu lực của container

Cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ kết cấu chịu lực của container, đặc biệt là khi bạn muốn thiết kế và xây dựng theo ý mình. Ít nhất hãy nắm rõ bộ khung chịu lực chính để đưa ra được phương án nên đục khoét bao nhiêu là vừa đủ.

Bảo vệ môi trường, thiên nhiên

Như đã đề cập, cây xanh có tác dụng giảm nhiệt, tạo bóng, che bức xạ vì vậy rất có lợi cho các công trình container vốn mang nhiều nguy cơ gây nóng bức vào mùa hè. Nếu có điều kiện, bạn hãy trồng nhiều cây xanh, bụi cây, cây bóng mát quanh nhà, không chỉ có lợi cho vi khí hậu mà còn tăng sức sống cho không gian sinh hoạt.

Mac & Ham House là ngôi nhà được xây dựng bằng container nhưng đảm bảo không gian thoáng mát nhờ vườn cây xanh quanh nhà (Nguồn ảnh: Mac & Ham House)

Những mẫu nhà container đẹp hiện nay

Nhà container ở Thuận An, Bình Dương

Ngôi nhà nằm ở vùng ven đô thuộc tỉnh Bình Dương, nơi có rất nhiều công trình mới dưới nhiều dáng vẻ hỗn độn. Chính vì vậy, thiết kế với kết cấu mới lạ này “mọc lên” giảm thiểu tác động tới khu đất, đảm bảo cảnh quan xanh và dễ xây dựng. Kết cấu thép gồm hệ lưới cột sắt hộp 90×90 với hệ dầm sắt hộp 30×30 được bao phủ bởi lưới mắt cáo B40 làm thành hệ dàn cho các cây leo tự phát triển.

Cấu trúc ngôi nhà gồm 2 phần: 02 phòng ngủ trên tầng 2, bếp + phòng khách bố trí ở tầng 1 mở toang, nối liền với sân vườn xung quanh, xóa nhòa ranh giới giữa trong và ngoài. Kết cấu hình thức nhà container không những giúp giảm chi phí trên hệ móng nhà mà còn làm thời gian thi công ngắn hơn, do đó chi phí xây lắp cũng giảm.

 nha-container-o-viet-nam-1

Kết cấu thép gồm hệ lưới cột sắt hộp 90×90 với hệ dầm sắt hộp 30×30 được bao phủ bởi lưới mắt cáo B40

Biệt thự không móng ở Sài Gòn

Căn biệt thự không móng được xây dựng từ các thùng container tại Sài Gòn có tổng diện tích 500m2, diện tích sàn 250m2. Với 28 container bằng sắt lắp ráp lại với nhau, được đặt trên 50 khối bê tông vững chắc, các bề mặt container bên trong nhà được ốp cẩn thận, sàn nhà lát gạch và gỗ khiến công trình không khác nhiều so với những thiết kế truyền thống. Một số mảng tường bên ngoài vẫn giữ nguyên kết cấu bề mặt lượn sóng của container nhưng lại được xử lý kĩ càng, tạo cấu trúc đẹp mắt.

nha-container-o-viet-nam-5


Bên ngoài căn biệt thự kiên cố không khác các công trình truyền thống khác 

Nhà container di động 

Thiết kế nhà di động của KTS Hồ Văn Thọ đã đoạt Giải công trình ý tưởng lạ của Hội KTS TP. HCM năm 2008 và Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia. Trước nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp và người chưa có đất, ông Thọ đã cho ra đời mẫu nhà mới có kích thước: 8,16m x 3m x 3,25m. Diện tích sử dụng 33m2, gồm 1 trệt (24,2m2), 1 lửng (8,8m2), 1 toilet, nhà bếp, nơi tiếp khách… dành cho một gia đình từ 4 – 8 người ở mang phong cách đơn giản mà tiện nghi, ấm cúng. 

Sự sắp xếp nội thất hay vật liệu làm nên căn nhà…tạo cảm giác thân quen.  Tường được làm từ xi-măng pha sợi giấy tuy mỏng và nhẹ nhưng lại cách nhiệt rất tốt, chịu được mối mọt và nước. Nền nhà và gác lửng được chế từ xi-măng pha sợi gỗ không hạn chế sự chịu lực. Đặc biệt, căn nhà còn được lắp đặt hệ thống làm mát bằng hệ thống quạt. Khí nóng được quạt hút xuyên qua lớp giấy tổ ong ướt để thu nhiệt, nước bốc hơi, tạo ra vùng khí mát mẻ cho ngôi nhà.

 nha-container-o-viet-nam-9

Nhà di động làm từ thùng container lắp bánh xe bên dưới

Café Container ở Sài Gòn

Café Container độc đáo nằm ở Khu dân cư Trung Sơn, quận 8 (TP HCM) với điểm nhấn là hai thùng container cũ được cải tạo thành không gian chính. Bên trong quán được lắp đặt tấm cách nhiệt và điều hòa tạo không khí mát mẻ, sử dụng gỗ làm nội thất chính sang trọng, khác với vẻ bụi bặm ở bên ngoài. 

Các ô cửa kính của hai thùng container được bố trí rất hợp lý để ánh sáng tự nhiên lọt vào vừa phải, ấm cúng. Cùng với bàn ghế gỗ, Café Contaier còn tận dụng những phụ tùng bỏ đi như vỏ xe, mâm, sên cam, vòng bi, bạc đạn… làm thành những đồ trang trí nhằm gây ấn tượng cho khách, cũng như tạo phong cách.

nha-container-o-viet-nam-12 

Không gian "bụi bặm", phong cách của Café Container

Papa Container ở Đà Nẵng

Papa Container là quán café mang phong cách Vintage pha chút hơi hướng Paris nằm tại Đà Nẵng. Xuất phát từ ý tưởng sử dụng chiếc container cũ để làm thành không gian quán, Papa Container tạo nên nét độc đáo không chỉ bởi kết cấu chất liệu chính mà còn ở cách sử dụng, bố trí nội thất bằng các vật dụng cũ tái sử dụng như máy may, bàn ghế cũ, vali, thùng gỗ… Mọi thứ hài hòa, vừa đủ trong một không gian thoáng mát, kết hợp cây xanh và cảnh quan sân vườn bên ngoài.

Quán café mang phong cách Vintage pha chút hơi hướng Paris

Nôi Đà Lạt Club

Nổi bật với những chiếc thùng container tone màu đỏ trắng, không gian Nôi Đà Lạt Club vừa là quán café, vừa là công ty thiết kế và địa điểm lưu trú cho khách du lịch. Tổng thể công trình tương đối rộng rãi với nhiều container xếp chồng, ghép nối hay nổi trên mặt hồ nước. Toàn bộ cầu thang, lối đi cũng được làm bằng thép phủ sơn, xung quanh được trang trí bởi những chiếc lốp xe ôtô trông giống hình ảnh của một chiếc tàu biển cách điệu. Không gian phủ một màu xanh cây lá và không khí mát mẻ của hồ nước.

 

nha-container-o-viet-nam-20

Thiết kế công trình trông giống hình  ảnh của một chiếc tàu biển 

Nhà bungalow container ở Mộc Châu Arena Village

Bungalow vốn là những mẫu nhà nhỏ gọn cũng như có cấu tạo đơn giản, được lắp ráp nhanh và có tính chất cơ động như nhà gỗ, nhà lắp ráp… Những bungalow thuộc khu Mộc Châu Arena Village nổi bật với đủ màu sắc được thiết kế bằng thùng container, tọa lạc trên một cánh đồng chè rộng lớn, mang lại không gian yên bình, gần gũi với thiên nhiên, nhìn ra thung lũng thơ mộng.

Mỗi một nhà Bungalow container là một phòng nghỉ lưu trú cho khách du lịch đầy đủ tiện nghi với bề mặt các bức tường được xử lý kỹ càng, sàn nhà được lát gỗ, khác hẳn vẻ bên ngoài. Đây còn là một địa điểm du lịch nổi tiếng của vùng Tây Bắc nước ta!

nha-container-o-viet-nam-26

Những căn nhà nhỏ xinh xắn nổi bật với đủ màu sắc trên một cánh đồng chè rộng lớn

Trên đây là tổng hợp những thông tin chia sẻ về cách thiết kế nội thất nhà được làm bằng container cũ cho mọi người tham khảo. Hy vọng đây sẽ là những chia sẻ hữu ích về kiến thức thiết kế cho mọi người những chia sẻ hữu ích.